Trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều người có xu hướng chuyển sang làm Freelancer, những người trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng không ngoại lệ. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem Freelance IT là gì? Tại sao nó lại ngày càng trở nên phố biến, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng nhé!
Freelance IT là gì?
Freelance IT là người làm việc độc lập trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Họ không liên kết chặt chẽ với một công ty hay tổ chức nào cả, thường làm việc dựa trên dự án, công việc cụ thể, thay vì có một hợp đồng làm việc toàn thời gian với một đơn vị nhất định. Các công ty, tổ chức thường thuê họ để hoàn thành một dự án cụ thể hoặc cung cấp một dịch vụ IT chuyên sâu.
Những ưu điểm của việc làm Freelance IT
- Linh hoạt về thời gian: Freelance IT có thể tự quản lý thời gian làm việc, sắp xếp công việc và thoải mái nghỉ ngơi theo nhu cầu cá nhân.
- Linh hoạt về địa điểm: Tương tự như thời gian, với sự phát triển tân tiến của công nghệ, Freelance IT có thể công tác tại bất cứ đâu trên thế giới mà không gặp phải trở ngại gì.
- Đa dạng dự án và kỹ năng: Freelancer có quyền lựa chọn dự án mà họ muốn tham gia. Vì vậy, họ dễ dàng chọn những dự án phù hợp với kỹ năng, sở thích, cũng như nhu cầu học hỏi của bản thân.
- Kiểm soát tài chính: Thu nhập của Freelance IT có thể dựa vào số lượng dự án họ nhận, họ cũng có quyền tự quyết định giá trị họ nhận được sau khi kết thúc dự án.
Những nhược điểm của việc làm Freelance IT
- Cạnh tranh cao: Cùng với xu hướng chuyển dần ra làm tự do, cộng đồng Freelance IT ngày càng lớn, chính vì vậy mà mức độ cạnh tranh công việc ngày càng cao.
- Thu nhập không ổn định: Với sự cạnh tranh lớn trên thị trường, không phải lúc nào Freelance IT cũng nhận được dự án. Vậy nên thu nhập của họ không cố định, tăng giảm theo từng hoàn cảnh.
- Yêu cầu tính kỷ luật cao: Những người làm IT freelancer không chịu sự quản lý hay giảm sát của bất cứ ai hay bất cứ tổ chức nào. Nếu không có tính kỷ luật, Freelance IT có thể rơi vào tình trạng trì hoãn, không thể hoàn thành dự án đúng kỳ hạn. Điều này rất bất lợi đối với danh tiếng của một người làm cá nhân, nhất là trong thời điểm cạnh tranh tăng cao. Ngoài ra, một freelance IT với tỉnh kỷ luật cao, không ngừng cập nhập thêm nhiều kiến thức mới, phát triển kỹ năng để theo kịp xu hướng thời đại sẽ dễ giữ chân được khách hàng.
- Thiếu sự gắn kết với đồng nghiệp: Lựa chọn sự tự do thay vì gắn bó với một môi trường công sở nhất định, freelancer đã xác định sẽ làm việc độc lập chứ không phối hợp với các đồng nghiệp. Họ dần mất kết nối với đồng nghiệp cũ, gặp khó khăn trong việc mở rộng các mối quan hệ.
Tìm hiểu thêm: Nhu cầu nhân lực ngành CNTT tại Việt Nam thiếu hụt ra sao?
Xu hướng ngành Freelance IT Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng
Trong giai đoạn khủng hoảng, ngành Công Nghệ Thông Tin có những xu hướng đặc biệt mà Freelance IT có thể theo đuổi để tối ưu hóa cơ hội và đối mặt với thách thức.
- Bình thường hóa chuyện làm việc từ xa: Giai đoạn khủng hoảng đã thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi của mô hình làm việc từ xa. Hưởng lợi từ việc này, ngành Freelancer trở nên phổ biến và được đón nhận hơn bao giờ hết. Một người làm IT tự do giờ đây có thể thoải mái công tác ở bất cứ đâu mà không khiến khách hàng cảm thấy không yên tâm.
- Xu hướng tìm kiếm các biện pháp cắt giảm chi phí: Trong thời kỳ khủng hoảng, doanh nghiệp tìm kiếm một giải pháp cắt giảm chi phí. Khác với những công ty lớn chuyên về CNTT, freelance IT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao với mức chi phí linh hoạt, dễ tăng giảm tùy theo nhu cầu của khách hàng. Từ đó mà họ nhận được nhiều cơ hội hơn.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: Với những ưu thế của một người làm việc tự do, IT freelancer dễ dàng tiếp cận và làm việc với những doanh nghiệp quốc tế. Từ đó họ học hỏi, khám phá thêm được nhiều điều hơn, đặc biệt là về con người và văn hóa.
Lời khuyên dành cho những bạn theo ngành Freelance IT
Như đã đề cập ở trên, thị trường lao động tự do là một thị trường hết sức cạnh tranh, không hề “dễ ăn” như chúng ta nghĩ. Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích dành cho các bạn:
- Tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân: Bạn cần xác định rõ điểm mạnh và hướng đi của bản thân trong tương lai, tập trung vào nuôi dưỡng, tô điểm nó để có thể trở nên nổi bật so với những đối thủ khác. Ngoài ra, một “logo” nhận diện cho chính bạn cũng có thể gây ấn tượng mạnh đến khách hàng.
- Chăm sóc khách hàng tốt: Tạo ra một trải nghiệm tích cực cho khách hàng bằng cách thể hiện sự chuyên nghiệp, đáp ứng nhanh chóng, và làm việc chăm chỉ để thỏa mãn yêu cầu của họ. Một khách hàng hài lòng có thể giới thiệu bạn với rất nhiều khách hàng tiềm năng khác.
- Xây dựng mối quan hệ: Nếu có cơ hội, hãy tạo ra mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Mối quan hệ này có thể mang lại cơ hội mới và giúp duy trì ổn định thu nhập. Ngoài ra, việc tham gia và kết nối với cộng đồng freelance IT Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Người trong ngành có thể chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển và vươn lên vững mạnh.
- Lắng nghe phản hồi và học hỏi: Hãy chủ động đón nhận phản hồi từ khách hàng một cách tích cực, sẵn sàng học hỏi và cải thiện những thiếu sót của bản thân.
Hi vọng SmartOSC Careers đã giúp bạn giải đáp câu hỏi Freelance IT là gì, cũng như những thắc mắc xoay quanh công này. Ngoài ra, nếu bạn chưa sẵn sàng làm việc độc lập, có nhu cầu tìm một “bến đỗ” cho mình thì hãy tham khảo các vị trí đang mở tại việc làm IT, tuyển dụng Fresher nhé.